Dựa trên những nghiên cứu khoa học về hệ tiêu hóa, các nhà nghiên cứu đã xác định được những nguyên nhân có khả năng dẫn đến tình trạng thừa cân hoặc béo phì như do yếu tố di truyền, lối sống hoặc do chế độ ăn uống không cân bằng, ngoài ra sự rối loạn hệ vi sinh đường ruột cũng được xem là một nguyên nhân quan trọng góp phần dẫn đến tình trạng này.
Nghiên cứu
Nghiên cứu của Giáo sư Gordon (2006) cho thấy có sự khác biệt về hệ vi sinh đường ruột ở người béo phì và người có cân nặng bình thường, và khi có sự giảm cân ở người béo phì thì hệ vi sinh đường ruột của những người này tương tự ở những người gầy.
Hơn nữa, các nhà nghiên cứu trường Đại Học Y Maryland (Hoa Kỳ) đã xác định có 26 loại vi khuẩn trong ruột liên quan đến tình trạng béo phì và các vấn đề biến chứng của hệ tiêu hóa.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của Giáo sư Ley và cộng sự tiến hành liệu pháp giảm cân bằng chế độ ăn kiêng trên 12 người béo phì cho thấy kết quả của quá trình giảm cân kèm theo sự gia tăng số lượng nhóm vi khuẩn Bacteroides, trong khi kết quả ngược lại cho nhóm Firmictutes. Đáng chú ý, những người giảm hơn 4kg kèm theo sự gia tăng đáng kể Bacteroides fragilis so với trước khi giảm cân.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu của Giáo sư Emmanuella (2013) tiến hành phân tích hệ vi sinh đường ruột ở người béo phì và người có cân nặng bình thường, kết quả cho thấy hệ vi sinh vật này ở người béo phì ít đa dạng hơn.
Kết quả
Từ các kết quả đó, các chuyên gia tin rằng hệ vi sinh vật đường ruột đóng một vai trò quan trọng việc điều hòa kiểm soát năng lượng, là chìa khóa giải mã cho việc tăng cân và giảm cân. Chúng ta đều biết rằng vi khuẩn trong đường ruột kích thích hệ miễn dịch, tổng hợp các vitamin thiết yếu và hấp thu chất dinh dưỡng, đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe hệ tiêu hóa. Do đó, mọi tác động gây xáo trộn sự cân bằng của hệ vi khuẩn này đều ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể chúng ta và kiểm soát vi sinh vật đường ruột được xem như một giải pháp trong việc điều trị béo phì.
Nghiên cứu áp dụng trên chuột
Nghiên cứu trên chuột phát hiện vi khuẩn sống ở đường ruột có thể được dùng để điều trị béo phì. Theo nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Proceeding of the National Academy of Sciences (2013), các nhà khoa học thuộc viện nghiên cứu trường đại học Louvain (Bỉ) đã tiến hành thử nghiệm với vi khuẩn Akkermansia muciniphila, loại vi khuẩn này chiếm từ 3-5% lượng vi khuẩn cư trú trong đường ruột của loài động vật có vú, tuy nhiên số lượng sẽ giảm ở những vật chủ béo phì. Nhóm nghiên cứu đã trộn vi khuẩn Akkermansia muciniphila vào thức ăn của những con chuột thừa cân có chế độ dinh dưỡng giàu chất béo. Kết quả cho thấy so với lô đối chứng, nhóm chuột thí nghiệm có cân nặng và tỷ lệ khối lượng mỡ/khối lượng cơ thể giảm đáng kể.
Nghiên cứu áp dụng trên người
Hiện nay cũng đã có một số nghiên cứu ứng dụng liệu pháp probiotic trong điều trị béo phì trên người.
Có thể kể nghiên cứu của giáo sư Tremblay và cộng sự (2014) mở ra liệu pháp điều trị tăng cân cho phụ nữ. Nghiên cứu này được thực hiện bằng khẩu phần ăn kiêng có bổ sung khuẩn Lactobacillus rhammonsus (1.6x108 CFU) cho thấy cân nặng nhóm phụ nữ thí nghiệm giảm đáng kể so với nhóm đối chứng (chỉ ăn kiêng, không bổ sung probiotic).
Hoặc nghiên cứu của Mekkes và cộng sự (2014) cho thấy một số vi khuẩn thuộc nhóm Lactobacillus và Bifidobacterium có hiệu quả trong việc giảm béo và tránh tăng cân.
Trong một nghiên cứu khác theo dõi vi khuẩn đường ruột của những người thừa cân và béo phì, những người này sẽ thực hiện chế độ giảm cân bằng chế độ ăn có hàm lượng xơ cao cộng thêm giảm hàm lượng chất béo, đã thực sự đã thay đổi tình trạng của hệ vi khuẩn trong ruột của những người tham gia.
Kết luận
Mặc dù các khẳng định vẫn còn là quá sớm nhưng rõ ràng rằng một chế độ ăn uống được quản lý tốt có thể cải thiện tình trạng cơ thể, đa dạng hóa hệ vi khuẩn đường ruột và làm giảm nguy cơ mắc bệnh béo phì. Điều này không có nghĩa thay đổi chế độ ăn sẽ có hiệu lực cho tất cả mọi người trong việc ngăn ngừa bệnh béo phì, nhưng chắc chắn rằng nó có thể cải thiện tình trạng của họ.