Kháng insulin (insulin resistance) là tình trạng suy giảm tác dụng sinh học của insulin, biểu hiện bằng sự gia tăng nồng độ insulin máu. Đây được xem là một trong những đặc trưng của béo phì và tiểu đường tuýp 2.
Một số mô kích hoạt hoạt động trao đổi chất và một vài cơ chế có liên quan đến tính chất sinh lý của việc kháng insulin, chẳng hạn như suy giảm sự vận chuyển glucose của kênh GLUT4 vào màng tế bào và giảm hấp thu glucose ở cơ xương, tăng cao sản xuất glucose ở gan và chức năng tế bào β bị suy giảm… dẫn đến sự tiết insulin giảm. Thêm vào đó, những bằng chứng mới cho thấy sự thay đổi trong hệ vi sinh vật đường ruột cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển các bệnh về chuyển hóa ở người, thông qua những cơ chế có liên quan đến việc tăng tính thấm của ruột, chuyển hóa nội độc tố trong máu và chứng viêm ở mức thấp (Cani PD và cộng sự (2007, 2008), Serino M và cộng sự (2012)). Mục đích của nghiên cứu này nhằm đánh giá khả năng ngăn ngừa sự kháng insulin ở người do chế độ ăn uống gây ra nhờ bổ sung lợi khuẩn probiotic Lacticaseibacillus paracasei Shirota (*) (LcS).
17 tình nguyện viên khỏe mạnh (14 nam và 3 nữ, độ tuổi trung bình 24.5) đã tham gia nghiên cứu kéo dài 4 tuần, được phân chia ngẫu nhiên vào 2 nhóm: nhóm probiotic (8 người, 7 nam và 1 nữ) và nhóm đối chứng (9 người, 7 nam và 2 nữ). Nhóm probiotic tiêu thụ mỗi ngày 2 chai sữa uống lên men Yakult Light (65ml/ chai) có bổ sung khuẩn LcS trong 4 tuần, trong khi nhóm đối chứng không nhận được sự bổ sung này. Các tình nguyên viên được duy trì chế độ ăn uống bình thường trong 3 tuần đầu tiên (ngày 1-21), sau đó, từ ngày thứ 22 họ được cung cấp chế độ ăn giàu chất béo (65% năng lượng tiêu thụ là chất béo) và nhiều năng lượng (tăng xấp xỉ 50% lượng năng lượng thu vào) trong 7 ngày tiếp theo. Độ nhạy với insulin của cơ thể được đánh giá bằng thử nghiệm gây tăng đường máu theo đường uống (Oral Glucose Tolerance Test - OGTT) trước (sáng ngày thứ 22) và sau khi ăn vượt mức (sáng ngày thứ 29).
Kết quả cho thấy độ tăng khối lượng cơ thể là 0.6 (SE 0.2) kg (P<0.05) ở nhóm đối chứng và 0.3 (SE 0.2) kg ở nhóm probiotic (P>0.05). Không có thay đổi mang ý nghĩa thống kê về chỉ số BMI sau 7 ngày ăn vượt mức. Lượng glucose huyết tương lúc đói (FPG-fasting plasma glucose) tăng sau 7 ngày ăn vượt mức (nhóm đối chứng: 5.3 (SE 0.1) và 5.6 (SE 0.2) mmol/l tương ứng trước và sau khi ăn vượt mức, P<0.05), trong khi nồng độ insulin trong huyết thanh lúc đói được duy trì ở cả hai nhóm. Giá trị bên dưới đường cong Glucose AUC tăng 10% (từ 817 (SE 45) lên 899 (SE 39) mmol/l cho mỗi 120 phút, P<0.05) và độ nhạy với insulin toàn cơ thể giảm 27% (từ 5.3 (SE 1.4) xuống 3.9 (SE 0.9), P<0.05) ở nhóm đối chứng, trong khi độ nhạy với insulin bình thường được duy trì ở nhóm probiotic (4.4 (SE 0.8) và 4.5 (SE 0.9) tương ứng trước và sau khi ăn vượt mức (P>0.05)).
Số liệu từ nghiên cứu đã cho thấy chế độ ăn giàu chất béo làm giảm độ nhạy insulin xấp xỉ 27% ở những người trẻ cả nam lẫn nữ, tuy nhiên, việc bổ sung lợi khuẩn LcS trước và trong giai đoạn ăn vượt mức giúp duy trì kiểm soát chỉ số Glycaemic (chỉ số phản ánh tốc độ làm tăng đường huyết sau khi ăn những thực phẩm có nhiều năng lượng) và duy trì hoạt động của insulin. Kết quả này cung cấp những bằng chứng gián tiếp cho thấy sự thay đổi kết cấu hệ vi sinh vật đường ruột có thể dẫn đến sự phát triển của những chứng bệnh về chuyển hóa do chế độ ăn uống gây ra (chẳng hạn bệnh tiểu đường tuýp 2) và việc bổ sung lợi khuẩn probiotic Lacticaseibacillus paracasei Shirota (*) từ Yakult có thể hữu ích trong việc phòng chống các bệnh này.
(*): Tên gọi trước đây Lactobacillus casei Shirota
Kim Oanh (Theo “Probiotic supplementation prevents high-fat, overfeeding-induced insulin resistance in human subjects”, C.J.Hulston et al 2015, British Journal of Nutrition)