Gần đây, nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật bản đã chứng minh rằng chủng khuẩn LcS có trong sữa uống lên men Yakult có thể bảo vệ cơ thể phòng ngừa được NASH.
Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH) là một căn bệnh nghiêm trọng có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh này ngày càng tăng ở nhiều nước phát triển, tuy nhiên, hiện tại không có những phương pháp điều trị đặc biệt cho NASH. Bệnh thường được kiểm soát bằng việc thay đổi lối sống như chế độ ăn uống, tập thể dục và giảm cân. Theo khảo sát thì viêm gan nhiễm mỡ không do rượu thường xuất hiện ở những người có chế độ ăn dư thừa chất béo, lười vận động... dẫn đến rối loạn chuyển hóa ở gan, nguyên nhân chính gây ra bệnh.
Gần đây, nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật bản đã chứng minh rằng chủng khuẩn Lacticaseibacillus paracasei Shirota (*) có trong sữa uống lên men Yakult có thể bảo vệ cơ thể phòng ngừa được NASH. Nghiên cứu này bước đầu được tiến hành thử nghiệm trên chuột. Trong nghiên cứu, chuột được chia làm 3 nhóm: nhóm 1 được cho ăn bình thường, nhóm 2 được cho ăn chế độ thiếu hụt methionine-choline, hay nói cách khác là bữa ăn thiếu các protein quan trọng cho quá trình chuyển hóa ở gan trong việc tống xuất mỡ khỏi gan; nhóm thứ 3 cũng có chế độ ăn thiếu hụt methionine-choline nhưng chúng được uống bổ sung dung dịch có chứa khuẩn Lacticaseibacillus paracasei Shirota (*) (LcS) đều đặn trong 6 tuần.
Mục đích của thí nghiệm này muốn chứng minh hệ vi sinh vật đường ruột, nhất là những vi sinh vật có lợi cho đường ruột có tác động như thế nào đến quá trình chuyển hóa của gan khi gan thiếu các chất quan trọng cho quá trình chuyển hóa. Thêm vào đó, nghiên cứu cũng lưu ý đến việc bổ sung đều đặn dưỡng chất có chứa các vi sinh vật có lợi cho đường ruột, cũng như đường ruột khỏe mạnh thì có giúp cơ thể phòng ngừa được bệnh viêm gan nhiễm mỡ không do rượu hay không.
Câu trả lời đã được các nhà khoa học Nhật Bản làm sáng tỏ thông qua kết quả của thí nghiệm trên. Kết quả cho thấy dấu hiệu viêm gan nhiễm mỡ xuất hiện ở nhóm chuột thứ 2 (chế độ ăn thiếu hụt methionine-choline), ở nhóm chuột này, khi phân tích mẫu phân cho thấy lượng vi sinh vật có lợi cho đường ruột rất ít. Còn ở nhóm chuột thứ 3, mặc dù cũng có chế độ ăn thiếu hụt methionine-choline nhưng do có bổ sung chủng khuẩn LcS nên lượng vi khuẩn có lợi tăng đáng kể trong đường ruột và cũng không có dấu hiệu gan bị nhiễm mỡ. Điều này đã được giải thích rằng chủng khuẩn LcS kiểm soát tính thấm của ruột, tăng cường quá trình oxy hóa chất béo, kích hoạt quá trình chuyển hóa ở gan, chống tích lũy chất béo dư thừa ở gan, giảm viêm và xơ gan... Như vậy, các vi sinh vật có lợi ngoài việc bảo vệ đường ruột còn có tác dụng phòng ngừa một số bệnh ở người.
Tuy nghiên cứu chỉ mới tiến hành thử nghiệm ở chuột, trong tương lai các nhà khoa học hy vọng sẽ thực hiện trên cơ thể người, mở ra bước ngoặc trong điều trị bệnh viêm gan nhiễm mỡ không do rượu. Thêm vào đó, việc chuẩn hóa hệ vi sinh vật đường ruột cũng được xem là phương thức hiệu quả trong việc điều trị các bệnh gây nên do rối loạn chuyển hóa.
(*): Tên gọi trước đây Lactobacillus casei Shirota
Hồng Nhung (Theo AJP-Gastrointest Liver Physiol)