Có sự thay đổi tích cực liên quan đến đáp ứng miễn dịch trong tình trạng viêm mũi dị ứng của các tình nguyện viên sử dụng thức uống có chứa khuẩn LcS, chứng tỏ các vi sinh vật đường ruột có thể ảnh hưởng đến các tế bào của niêm mạc ruột và các tế bào khác.
Bệnh Sốt Cỏ Khô/ Viêm Mũi Dị Ứng (Hay Fever) xảy ra do hệ miễn dịch của chúng ta phản ứng với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, mạt bụi hoặc lông vật nuôi. Khi những tác nhân này xâm nhập vào mũi, các tế bào lót trong khoang mũi giải phóng histamine và nhiều chất khác, gây nên hiện tượng đỏ mắt, ngạt mũi và hắt hơi.
Một số người bị các triệu chứng này quanh năm. Ở một số người khác, các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn vào những thời điểm nhất định, thường là vào mùa hè hay mùa xuân. Một nghiên cứu được thực hiện vào tháng 11 năm 2013, được hỗ trợ bởi công ty Yakult và Hội đồng nghiên cứu công nghệ sinh học và khoa học sinh học (BBSRC), các bác sĩ và các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu thực phẩm Vương quốc Anh (UK’s IFR) và Đại học East Anglia (UEA) ghi nhận rằng việc sử dụng thức uống có chứa chủng khuẩn Lacticaseibacillus paracasei Shirota (*) hàng ngày có thể thay đổi cách thức các tế bào miễn dịch của những người bị bệnh sốt cỏ khô phản ứng với phấn hoa.
Nghiên cứu này được tiến hành trên 60 người bị sốt cỏ khô, chia thành hai nhóm sử dụng hàng ngày hai loại thức uống trong 16 tuần. Một nhóm sử dụng thức uống có chứa khuẩn Lacticaseibacillus paracasei Shirota (*) (LcS) và một nhóm khác sử dụng thức uống tương tự mà không có probiotic.
Mẫu thí nghiệm được lấy từ tế bào mũi và máu của các tình nguyện viên, cả trước và sau khi tiếp xúc với phấn hoa. Sau đó, tiến hành đánh giá các chất được sản xuất bởi hệ thống miễn dịch trong mẫu. Bên cạnh đó, các triệu chứng lâm sàng của bệnh sốt cỏ khô trên các tình nguyện viên cũng được ghi nhận lại. Kết quả cho thấy: có sự thay đổi tích cực liên quan đến đáp ứng miễn dịch trong tình trạng viêm mũi dị ứng của các tình nguyện viên. Đây là bằng chứng chứng tỏ các vi sinh vật đường ruột có thể ảnh hưởng đến các tế bào của niêm mạc ruột và các tế bào khác, chẳng hạn như những tế bào lót trong khoang mũi. Nhưng bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng chưa nhận thấy tác dụng của probiotic lên các triệu chứng của bệnh sốt cỏ khô.
Trong thực tế, bệnh sốt cỏ khô bao gồm các triệu chứng và tác nhân rất phức tạp. Người bị bệnh sốt cỏ khô thường có sự tiếp xúc lâu dài với các chất gây dị ứng, trong khoảng thời gian vài ngày hoặc vài tuần. Các nhà nghiên cứu đang thăm dò khả năng tiến hành một nghiên cứu theo mùa để điều tra những thay đổi trong niêm mạc mũi và tiến hành trên các tác nhân khác nhau để đưa ra được kết luận chuyên sâu hơn.
(*): Tên gọi trước đây Lactobacillus casei Shirota
Thảo Nguyên (Theo PLOS ONE)