Yakult Viet Nam Yakult Viet NamCông ty Yakult

Tin tức Yakult

Chia sẻ

Yakult cải thiện tính chất phân ở những bệnh nhân táo bón

Việc tiêu thụ sữa uống lên men có chứa khuẩn LcS mang lại những hiệu quả đáng kể trong việc cải thiện tính chất phân, giúp phân mềm hơn và dễ đi tiêu hơn

15/07/2014
Chia sẻ

Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc tiêu thụ sữa uống lên men có chứa khuẩn LcS mang lại những hiệu quả đáng kể trong việc cải thiện tính chất phân, giúp phân mềm hơn và dễ đi tiêu hơn.

Nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi và kiểm soát đối chứng được thực hiện trên 120 tình nguyện viên tại Gent (Bỉ), độ tuổi 18-65, có biểu hiện mắc chứng táo bón nhẹ. Tình trạng táo bón nhẹ được xác định khi tần suất đi tiêu của họ nhỏ hơn hoặc bằng 4 lần/ tuần, phân có dạng cục hoặc phân cứng ở ít nhất 25% số lần đi tiêu.

Quá trình thử nghiệm được chia làm 3 giai đoạn nối tiếp: 2 tuần đầu theo dõi, 4 tuần thử nghiệm và 2 tuần tiếp tục theo dõi. Kết quả đánh giá cuối cùng được đưa ra sau khi kết thúc 2 tuần theo dõi cuối. Trong suốt 4 tuần thử nghiệm, các tình nguyện viên được chia làm 2 nhóm: 1 nhóm sẽ tiêu thụ 65 ml/ ngày sữa uống lên men Yakult chứa tối thiểu 6.5 x 109 CFU khuẩn Lacticaseibacillus paracasei Shirota (*) (LcS) trong khi nhóm còn lại tiêu thụ 65 ml/ ngày giả dược (không chứa khuẩn LcS trong thành phần).

Tình trạng phân được đánh giá thông qua Bảng Phân Loại Phân Bristol (Heaton và cộng sự, 1992). Mẫu phân cũng được lấy để thực hiện các xét nghiệm phân tích thành phần vi sinh vật trong phân. Có tổng cộng 106 đối tượng (50 người thuộc nhóm dùng Yakult, 56 người thuộc nhóm dùng giả dược) đã hoàn tất thí nghiệm đánh giá sự cải thiện tính chất phân và 49 đối tượng (19 người thuộc nhóm Yakult, 30 người thuộc nhóm dùng giả dược) đã hoàn tất thí nghiệm phân tích hệ vi sinh vật phân.

Tính chất phân được xem là một chỉ thị sinh học quan trọng trong việc đánh giá sức khỏe đường ruột nói chung và chức năng của ruột nói riêng (Cummings và cộng sự, 2004). Ngoài ra, Lewis và Heaton (2004) cũng chỉ ra rằng thời gian chuyển hóa trong ruột có liên quan nhiều đến hình dạng của phân hơn là tần suất đi tiêu. Những người bị táo bón thường bị suy giảm nhu động ruột. Đã có nghiên cứu cho thấy khuẩn LcS có thể cải thiện tình trạng táo bón bằng cách tạo nên những thay đổi trong hệ vi sinh vật đường ruột vì không chỉ làm tăng lượng khuẩn LcS trong phân người tiêu thụ khuẩn này, mà còn làm tăng tổng số khuẩn Lactobacilli và Bifidobacteria (Matsumoto và cộng sự, 2006; Spanhaak và cộng sự, 1998). Lượng khuẩn bifidobacteria được xem là chỉ thị cho hệ vi sinh vật ruột kết khỏe mạnh (Mitsuoka, 1990) và đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh lượng nước trong ruột (Picard và cộng sự, 2005). Không chỉ vậy, lactobacilli và bifidobacteria còn sản xuất các chất chuyển hóa như lactate và acid béo chuỗi ngắn, làm tăng lượng nước trong ruột giúp điều hòa môi trường đường ruột.

Khuẩn LcS cũng có mối tương quan đến hệ thống thần kinh trong đường ruột, nơi tập trung khoảng 150 triệu tế bào thần kinh và được xem là “bộ não thứ 2” của cơ thể. Hệ thống này giữ nhiệm vụ điều chỉnh những chuyển hóa khác nhau bao gồm sự chuyển động, bài tiết, cung cấp máu và phản ứng miễn dịch (Raj và Hirano, 1996). Việc tiêu thụ sữa uống lên men có chứa khuẩn LcS cũng làm giảm rõ rệt hoạt động các enzyme vi khuẩn dẫn đến sự hình thành chất chuyển hóa xenobiotic (Spanhaak và cộng sự, 1998), làm giảm sự hình thành các độc chất như ammonia và phenol (De Preter và cộng sự, 2004; Gibson và cộng sự, 2005; De Preter và cộng sự, 2007) – những chất gây ảnh hưởng làm chậm quá trình chuyển hóa ruột, dẫn đến táo bón.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc tiêu thụ sữa uống lên men có chứa khuẩn LcS mang lại những hiệu quả đáng kể trong việc cải thiện tính chất phân, giúp phân mềm hơn và dễ đi tiêu hơn. Sự cải thiện này có những mối tương quan nhất định đến sự thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột của họ: lượng khuẩn có lợi tăng đáng kể trong mẫu phân ở nhóm dùng Yakult sau 4 tuần sử dụng trong khi nhóm dùng giả dược thì không tăng. Nghiên cứu cũng một lần nữa khẳng định rằng khuẩn LcS có thể sống sót trong dạ dày-ruột và tiến đến ruột non mà vẫn còn sống, để từ đó mang lại các tác động có lợi cho sức khỏe người sử dụng.

(*): Tên gọi trước đây Lactobacillus casei Shirota

Trần Khoa – Theo International Journal of Probiotics and Prebiotics Vol. 9, No. 1/2, pp. 23-30, 2014

Bài viết liên quan