Các nghiên cứu cho thấy probiotic không chỉ có hiệu quả trong việc phòng chống nhiễm trùng đường ruột mà còn đối với cả viêm nhiễm đường hô hấp trên (URTIs).
Các nghiên cứu cho thấy probiotic không chỉ có hiệu quả trong việc phòng chống nhiễm trùng đường ruột mà còn đối với cả viêm nhiễm đường hô hấp trên (URTIs). Nhiều thử nghiệm đã chứng minh hiệu quả của probiotic trong các nhóm có nguy cơ cao, bao gồm ở cả trẻ em và người già do hệ miễn dịch yếu. Tuy nhiên, chỉ có một vài nghiên cứu khảo sát hiệu quả của probiotic hàng ngày ở người lớn khỏe mạnh. Việc đánh giá hiệu quả đối với nhóm đối tượng này rất quan trọng, vì những căng thẳng hàng ngày có thể tác động trực tiếp làm suy giảm hệ thống miễn dịch và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh URTIs. Nghiên cứu được thực hiện tại Chiyoda Paramedical Care Clinic (Tokyo, Nhật Bản) để đánh giá ảnh hưởng của sữa uống lên men Yakult chứa chủng probiotic Lacticaseibacillus paracasei Shirota (*) đến tỉ lệ mắc bệnh URTIs ở nhân viên văn phòng trung niên khỏe mạnh.
Trong thử nghiệm này, 96 nam nhân viên văn phòng (độ tuổi 30-49) được chia thành hai nhóm: nhóm thử nghiệm và nhóm đối chứng. Nhóm thử nghiệm sẽ sử dụng mỗi ngày một chai sữa uống lên men Yakult chứa tối thiểu 1,0 × 1011 tế bào sống LcS, trong khi nhóm còn lại sử dụng sữa đối chứng không chứa chủng khuẩn này, trong suốt 12 tuần. Mẫu máu và nước bọt sẽ được thu vào các thời điểm tuần thứ 0, 6, 12. Hiệu quả được đánh giá dựa trên tỉ lệ mắc bệnh URTIs. Đồng thời, hoạt tính tế bào NK và nồng độ kháng thể IgA trong nước bọt của họ cũng được xem như là chỉ thị của khả năng miễn dịch còn nồng độ cortisol trong nước bọt là chỉ thị của tình trạng stress. URTIs được đánh giá bởi các bác sĩ thông qua bảng câu hỏi khảo sát hàng ngày đối với các tình nguyện viên về triệu chứng bệnh.
Kết quả cho thấy tỷ lệ mắc bệnh URTIs trong thời gian khảo sát thấp hơn đáng kể ở nhóm thử nghiệm so với nhóm đối chứng (22,4% so với 53,2%, P = 0,002). Phân tích theo thời gian cho thấy nhóm thử nghiệm có tỷ lệ không mắc URTI cao hơn đáng kể so với nhóm đối chứng trong suốt thời gian thử nghiệm (kiểm định log-rank: χ2 11,25; P = 0,0008). Số lần mắc bệnh URTIs và số ngày có triệu chứng URTIs trên mỗi người ở nhóm thử nghiệm thấp hơn, thời gian cho mỗi lần mắc bệnh cũng ngắn hơn so với nhóm đối chứng. Hoạt tính tế bào NK tăng lên đáng kể ở nhóm thử nghiệm (P = 0,013) trong khi nồng độ cortisol tăng lên đáng kể ở nhóm đối chứng (P = 0,045) ở tuần thứ 6. Như vậy, có sự ức chế cả về sự giảm của hoạt tính của tế bào NK trong các tế bào máu đơn nhân ngoại vi và sự tăng nồng độ cortisol trong nước bọt đã được ghi nhận ở nhóm thử nghiệm.
Trong nghiên cứu này, việc sử dụng Yakult chứa khuẩn LcS hàng ngày giúp cải thiện các thông số của hệ miễn dịch và stress do tác động lên hệ miễn dịch và các tuyến nội tiết, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của thử nghiệm. Tế bào NK giữ vai trò quan trọng trong việc phòng chống nhiễm virus, bao gồm cả bệnh URTIs. Do đó, việc ức chế sự giảm hoạt tính tế bào NK có thể giúp tăng khả năng kháng URTIs. Như vậy, việc tiêu thụ hàng ngày sữa uống lên men Yakult chứa chủng khuẩn LcS có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh URTIs ở nhân viên văn phòng trung niên khỏe mạnh nhờ khả năng điều hòa hệ miễn dịch.
(*): Tên gọi trước đây Lactobacillus casei Shirota
Kim Oanh - Theo “Daily intake of fermented milk with Lactobacillus casei strain Shirota reduces the incidence and duration of upper respiratory tract infections in healthy middle‑aged office workers”, Kan Shida et al. 2015, European Journal of Nutrition 2015; DOI 10.1007/s00394-015-1056-1.